Nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 trong năm nay sẽ xảy ra vào ngày 28/08 và có thể được nhìn thấy ở các khu vực thuộc Châu Mỹ, Thái Bình Dương, Đông Á và Úc. Lần trước, nguyệt thực toàn phần đã diễn ra vào rạng sáng ngày 4/3 theo giờ Việt Nam.
Ngược với lần nguyệt thực toàn phần trước diễn ra vào rạng sáng (4/3), lần nguyệt thực này người quan sát ở Việt Nam có thể quan sát được vào chiều tối khi trăng bắt đầu lên từ hướng đông. Do pha toàn phần (trăng hoàn toàn nằm trong vùng tối) kết thúc ngay sau thời điểm trăng bắt đầu mọc, nên quan sát được nguyệt thực toàn phần có thể chỉ đối với những người sống ở các vùng duyên hải và hải đảo ở phía đông nước ta.

Ảnh biểu diễn các giai đoạn của nguyệt thực (NASA) tính theo giờ GMT. Giờ Việt Nam = GMT+7
Các giai đoạn của nguyệt thực theo thông tin của NASA tính theo giờ Việt Nam
- 14h52' : Nguyệt thực bắt đầu, trăng đi vào vùng nửa tối. Nguyệt thực bán dạ .
- 15h51' : Trăng bắt đầu đi vào vùng tối. Nguyệt thực một phần.
- 16h52' : Trăng hoàn toàn đi vào vùng tối. Nguyệt thực toàn phần.
- 17h37' : Trăng ở giữa vùng tối.
- 18h23' : Trăng bắt đầu ra khỏi vùng tối. Nguyệt thực một phần.
- 19h24' : Trăng hoàn toàn ra khỏi vùng tối. Nguyệt thực bán dạ.
- 20h22': Trăng ra khỏi vùng nửa tối. Kết thúc nguyệt thực.
Với các giai đoạn của nguyệt thực như vậy, đa phần người quan sát ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được pha sau của Nguyệt Thực, khi trăng ra khỏi vùng tối chỉ còn nguyệt thực một phần. Riêng vùng biển phía đông của nước ta, hay nguời quan sát ở những nơi có địa hình trống trải nơi chân trời đông, có thể quan sát được vài phút của pha toàn phần khi trăng vừa ló dạng.
Chiều tối 28/08/2007 vào ngày 16 âm lịch chúng ta sẽ quan sát được một Mặt Trăng màu đỏ đồng từ từ nhô lên ở hướng Đông.
Thời gian mọc của trăng vào 28/08/2007
- Hà Nội: 18h15'
- Đà Nẵng: 18h02'
- TP.HCM: 18h'04'

Loạt ảnh nguyệt thực rạng sáng 4/3 (http://www.galaxymaine.com)
Nguyệt thực là một hiện tượng thiên nhiên chỉ có thể diễn ra vào ngày trăng tròn, khi trăng đi vào vùng tối do bóng Trái Đất tạo ra ở thời điểm Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng thẳng hàng.
Để hiểu thêm về hiện tượng các bạn có thể đọc bài viết về nguyệt thực bên dưới.
Câu Lạc Bộ Thiên Văn Nghiệp Dư TP.HCM
(theo Vietastro.org)