gửi bởi bin » Thứ 3 Tháng 5 15, 2007 2:25 pm
Thi trắc nghiệm, con dao hai lưỡi!
Như vậy từ năm nay học sinh sẽ tham gia kì thi tốt nghiệp cấp 3 và thi vào đại học các môn Lý Hóa Sinh bằng phương pháp thi trắc nghiệm khách quan. Không thể phủ nhận ưu thế vượt trội của phương pháp kiểm tra đánh giá bằng trắc nghiệm, đó một phương pháp được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mĩ, Anh, Úc, Singap o... sử dụng, tuy nhiên khi áp dụng vào nước ta ta cần xem xét vấn đề này ở nhiều góc độ khác nhau, qua đó nhìn ra được tác dụng tích cực cũng như những tác dụng tiêu cực của phương pháp này nếu nó bị tuyệt đối hóa.
Thi trắc nghiệm khách quan là 1 trong rất nhiều phương pháp đánh giá kết quả học tập, kiểm tra những kiến thức đã học, những kĩ năng đã được rèn luyện. Phương pháp này có ưu điểm là tính khách quan và khả năng kiểm tra kiến thức trong phạm vi rộng. Mặt khác phương pháp này cũng có hạn chế đó là không thể kiểm tra được các năng lực đặc thù mà người học cần có được, chẳng hạn năng lực sử dụng thuật ngữ chuyên ngành, khả năng diễn đạt, không giúp người tham gia bộc lộ khả năng sáng tạo cũng như năng lực tư duy lô gic chặt chẽ.
Với nhưng ưu và nhược điểm như thế phương pháp trắc nghiệm khách quan rất phù hợp cho các cuộc thi kiểm tra đánh giá kiến thức tổng quát, kiểm tra khả năng sử dụng kiến thức trong một số hoàn cảnh nhất định. Có nghĩa là loại hình thi này không thể thay thế toàn bộ các loại hình thi khác, như loại hình tự luận hoặc kiểm tra miệng ( thi vấn đáp). Việc đưa thi trắc nghiệm vào kì thi cuối cấp là hợp lý, tuy nhiên chỉ sử dụng duy nhất hình thức trắc nghiệm chỉ là biện pháp tình thế do hạn chế về mặt điều kiện vật chất và điều kiện con người.
Kì thi trắc nghiệm vốn có rất nhiều ưu điểm như vậy, nhưng khi đưa vào nước ta, sẽ gây ra không ít phiền phức. Điều này lí giải như sau.
Nước ta nói riêng và các nước ảnh hưởng lối thi "khoa cử" của Trung Quốc nói chung luôn có tâm lí học để mà thi, thi cái gì học cái đấy. Điều này là phù hợp với chế độ quan trường ngày xưa, khi mà các sĩ tử thi để làm quan, họ thi những nội dung phục vụ cho con đường quan trường của mình trong tương lai. Và đương nhiên kì thi đó là đích cuối cùng của sự học. Do đó học để thi là hoàn toàn hợp lý.
Trong xã hội hiện đại, việc này không còn đúng nữa, học không phải chỉ nhằm mục đích cuối cùng để thi, mà học để chiếm lĩnh tri thức, để nắm bắt kĩ năng, nắm bắt phương thức học tập, học để làm người. Thế nhưng tư tưởng học để thi vẫn ngấm sâu vào trong mỗi con người, mỗi cá thể, từ học sinh đến giáo viên, từ các vị phu huynh đến hiệu trưởng các trường trung học.
Mặt khác sau một thời gian dài sống trong nền kinh tế bao cấp, khả năng tìm kiếm việc làm của mỗi người không phải dựa trên năng lực thực sự mà dựa trên bằng cấp, trên cơ sở quen biết, trên quan hệ xin cho. Chính vì vậy việc học để lấy bằng vẫn là mục đích cuối cùng của học sinh. Nhiều khi học nhồi nhét, ôn luyện bằng mọi mẹo mực để cốt qua được kì thi, bất chấp việc có thu nhận được kiến thức hay không. Nhiều khi giáo viên thấy điều đó là không ổn, nhưng do sức ép từ lãnh đạo, sức ép từ phụ huynh học sinh khiến cho giáo viên phải tặc lưỡi.
Với hai nguyên nhân chính này hầu hết mọi thành viên trong xã hội vẫn nhằm mục đích học để thi, vì thi mới học.
Do đó khi đưa việc thi trắc nghiệm vào kì thi tốt nghiệp, điều này rất tiên tiến, nhưng một điều gân như chắc chắn là sẽ nảy sinh những tình trạng nhà nhà luyện thi trắc nghiệm, người người luyện trắc nghiệm. Bỏ tất cả các hình thức kiểm tra khác, chỉ chủ tâm vào việc luyện thi trắc nghiệm. Một cách vô tình, mọi người đã biến công cụ kiểm tra thành mục đích học tập. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Khi nền kinh tế thị trường phát triển hơn, chỉ 5-10 năm nữa, xã hội sẽ cần những con người có khả năng làm việc thật sự, khi đó bằng cấp không phải là yếu tố quyết định, thử hỏi những sản phẩm của nền giáo dục "trắc nghiệm" có đáp ứng được yêu cầu của xã hội không? Hay là nền giáo dục lại một lần nữa tụt hậu so với đà phát triển của xã hội.
Thực tế cho thấy, một đường lối giáo dục khi sử dụng rất tốt ở các nước tiên tiến, nhưng nếu áp đặt vào hoàn cảnh Việt nam mà không xét đến những đặc thù của xã hội Việt nam thì sẽ trở nên phản tác dụng thậm chí cản trở sự phát triển.
Mong các thầy cô giáo, những người trực tiếp tham gia giảng dạy, phân định rõ ràng giữa mục tiêu đào tạo người và mục đích luyện thi trắc nghiệm. Tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm tra truyền thống, tích cực hóa học sinh trong quá trình chiếm lĩnh tri thức, đó cũng là một cách tốt để chuẩn bị cho kì thi trắc nghiệm, chứ không hẳn chỉ nhằm vào mục tiêu duy nhất khiến cho học sinh hoang mang, trắc nghiệm, trắc nghiệm trắc nghiệm như hiện nay.